Nhật Bản Phi_tần

Hoàng cung

Thời kỳ Heian là đỉnh cao của trung ương tập quyền khi đạo Khổng Mạnh và những nét phồn hoa trong văn hiến du nhập từ nhà Đường với trung tâm quyền lực là dòng dõi Fujiwara quyền quý. Hoàng hậu và phi tần xuyên suốt thời kỳ Heian và kéo dài đến lịch sử cận đại đều là những hậu duệ của dòng tộc này.

  • Hoàng hậu (こうごう 皇后), đích phu nhân của Thiên hoàng, mang nhã xưng Trung cung (中宮) hay Thu cung (長の宮) do tiếp thu điển cố từ Trung Hoa. Dưới triều Thiên Hoàng Ichijō, dù đã lập chính thất nhưng trước ảnh hưởng từ Quan bạch Michinaga quyền uy bậc nhất triều đình, ngài đã tấn phong ái nữ của Michinaga làm hậu, tôn hiệu là Trung cung (ちゅうぐう 中宮), còn bà nguyên phối đổi thành Hoàng hậu cung (皇后宮), khởi nguồn cho tục đa hậu trong lịch sử Nhật Bản.
  • Nữ ngự (にょうご 女御), những cung phi giữ ngôi cao nơi cung cấm, giai hàm từ bậc chính nhị vị xuống đến tòng tứ vị, xuất thân con gái trong tông thất hay thiên kim của các quan đại thần dòng dõi Fujiwara quyền quý. Giới quý tộc cung đình thời Heian thường lấy tên cung thất để phân biệt các bà phi đương triều như Thừa Hương điện Nữ ngự (承香殿女御), Đằng Hồ Nữ ngự (藤壺女御), cũng có trường hợp gọi theo chức quan của cha như Tả Đại thần Nữ ngự (左大臣女御) hay các hoàng nữ tôn hiệu là Vương Nữ ngự (王女御).
  • Canh y (こうい 更衣), cung tần của Thiên hoàng, giai hàm từ bậc chính tứ vị trở xuống, xuất thân thiên kim của công khanh và sỹ đại phu.
  • Ngự Tức sở (みやすんどころ 御息所), danh vị của những bà nội cung bậc thấp đã sinh con nối dõi cho hoàng thất.
  • Ngự Hạp điện Biệt đương (みくしげとののべっとう 御匣殿別当), nữ quan hầu việc phục sức.
  • Thượng thị (ないしのかみ 尚侍), trưởng quan của Nội thị ty hầu cận Thiên hoàng, danh vị này là sự ân sủng đặc biệt chỉ dành cho những thiên kim, mệnh phụ thuộc dòng dõi Fujiwara.
  • Điển thị (ないしのすけ 典侍), phó quan của Nội thị ty hầu cận Thiên hoàng. Thời kỳ tôn sùng võ đạo khi dòng dõi Mạc chúa nắm quyền cai trị, cung nhân thừa hạnh chỉ được ân tứ Điển thị hoặc Quyền Điển thị (権典侍).

Mạc phủ

Thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, nội cung thành Edo được biết đến với tên gọi Ōoku (Đại áo, おおおく, 大奥), một xã hội thu nhỏ tập hợp hơn một ngàn nữ nhi, được thành lập bởi Shōgun Hidetada. Từ người vợ chính thất tới các cung tần mỹ nữ, người hầu kẻ hạ trong Ōoku gọi chung là Áo nữ trung (おくじょちゅう, 奥女中), giữ nhiệm vụ phụng sự Tướng quân và gia tộc Tokugawa. Trong đó chỉ một số ít các cung nhân được hưởng ân huệ diện kiến Tướng quân, số còn lại chỉ là hạng hầu bộc chuyên nấu nướng, may vá và những việc nặng nhọc khác. Người vợ chính của Tướng quân gọi là Ngự đài sở (みだいどころ, 御台所) mang danh phận tôn quý nhất, đứng trên hết thảy trong Ōoku. Tuy vậy quyền lực thực tế lại thuộc về các nữ quan tổng quản, những người chịu trách nhiệm trông nom việc nội chính. Các cung nữ có nhan sắc cùng phẩm hạnh đoan trang theo hầu Ngự đài sở gọi là Trung lạp (ちゅうろう, 中臈), được cất nhắc làm nàng hầu của Shōgun. Nàng hầu sinh được con trai nối dõi gọi là Ngự bộ ốc dạng (おへやさま, 御部屋様), sinh con gái gọi là Ngự phúc dạng (おはらさま, 御腹様), hoặc trở thành vợ lẽ chính thức.

Vợ chính và hầu lẽ của Shōgun quá cố, theo điển lệ của giới quý tộc Nhật Bản, được Thiên triều và Mạc phủ ban phong các pháp danh, xuống tóc và lui về thiền tự tu hành như Thiên Chương viện (てんしょういん, 天璋院), vợ chính của Iesada, Tĩnh Khoan viện cung (せいかんいんのみや, 静寛院宮), vợ chính của Iemochi.

Các tổng quản phụng sự gia tộc Mạc chúa chịu trách nhiệm trông nom việc nội chính:

  • Thượng lạp Ngự niên ký (じょうろうおとしより, 上臈御年寄), con gái các dòng dõi huân thần tại kinh đô Kyoto bồi giá theo chính thất Ngự đài sở, bảo trợ lễ nghi và giáo hóa các cung nhân.
  • Ngự niên ký (おとしより, 御年寄), xuất thân từ tầng lớp Samurai quyền quý, nắm thực quyền cất đặt sự vụ trong Ōoku.